Hôm nay3
Tháng này11
Năm này156
Gắn bó, keo sơn với núi rừng Nam Tây Nguyên để truyền dạy tiếng nói và chữ viết đồng bào Mạ cho cán bộ, công chức, viên chức...; những người thầy của núi rừng đã và đang từng ngày, từng giờ bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có tiếng nói và chữ viết.
Lớp học tập tiếng Mạ đi thực tế tại xã Lộc Tân (Bảo Lâm)
Các lớp dạy tiếng đồng bào dân tộc thiếu số (DTTS) nói chung và tiếng Mạ nói riêng nhằm trang bị, bồi dưỡng tiếng dân tộc, cập nhật kiến thức, văn hóa DTTS, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc hoặc trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ tiếp xúc, giải quyết các công việc liên quan đến đồng bào DTTS.
Người Mạ là một trong những dân tộc thiểu số ở Việt Nam thuộc hệ ngôn ngữ Môn - Khơme, cư trú ở một số tỉnh như Lâm Ðồng, Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Ðồng Nai, Bình Phước... Tại tỉnh Lâm Đồng, người Mạ sinh sống chủ yếu ở các huyện phía Nam như Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP Bảo Lộc. Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương nên đời sống bà con có nhiều khởi sắc về mọi mặt. Cùng với đó, bản sắc văn hóa tốt đẹp luôn được giữ gìn và phát huy. Đặc biệt là tiếng nói, chữ viết của người Mạ ở Lâm Đồng đã được giảng dạy, học tập từ năm 2006.
Ông Trần Ngọc Biên - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm, là một trong những người thầy tham gia giảng dạy tiếng Mạ ở huyện Bảo Lâm, Cát Tiên, TP Bảo Lộc chia sẻ: Biết tiếng đồng bào DTTS không chỉ giúp cho cán bộ, công chức, viên chức am hiểu phong tục, tập quán mà còn nghe hiểu, nói được tiếng nói, viết được chữ viết của đồng bào các dân tộc. Đây chính là cầu nối giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, để nghe dân nói, nói dân hiểu, tạo được niềm tin yêu của quần chúng Nhân dân, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc.
Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện Bảo Lâm hiện nay có các thầy giáo thường xuyên đứng lớp để dạy tiếng Mạ gồm thầy Trần Ngọc Biên, thầy Song K’Bố, thầy K’ Wèn. Trung tâm đã thực hiện giảng dạy tiếng Mạ tại huyện Bảo Lâm và kết hợp với các huyện, thành khác ở phía Nam của tỉnh tổ chức dạy được khoảng 40 lớp với gần 4.000 học viên.
Thầy giáo Trần Ngọc Biên tâm sự rằng bản thân thầy đã đi dạy các lớp tiếng Mạ tại các huyện phía Nam, hầu hết những học việc đều rất tích cực và hào hứng vì được học thêm tiếng nói, chữ viết mới. Đặc biệt, khi hoàn thành các chương trình học tại lớp, học viên sẽ được đi học tập thực tế tại các xã có đông đồng bào DTTS người Mạ sinh sống. Như vừa qua, lớp đào tạo tiếng Mạ tại huyện Bảo Lâm đã tiến hành đi thực tế tại xã Lộc Tân, đây là một xã có đông đồng bào Mạ đang sinh sống. Chính quyền địa phương và người dân trong các thôn có đông đồng bào DTTS sinh sống đã góp sức người, sức của để phục dựng những ngôi nhà dài truyền thống. Nhà được dựng hoàn toàn bằng vật liệu tre, nứa; mái nhà được lợp cỏ tranh. Đây là nơi để dân làng hội họp, luyện tập cồng chiêng, trưng bày thổ cẩm và khắc sâu hơn những giá trị tinh thần nguồn cội.
Tại đây, các học viên cùng trao đổi với đồng bào người Mạ về cách thức chào hỏi, nói lời cám ơn, tìm hiểu về tập quán sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, cách dệt thổ cẩm; tìm hiểu về cồng chiêng, rượu cần, các món ăn truyền thống... bằng tiếng nói của người Mạ. Sau đó, các học viên sẽ viết bài thu hoạch bằng tiếng Mạ về những trải nghiệm thực tế.
Niềm vui của những người thầy sinh ra tại núi rừng Nam Tây Nguyên như thầy Song K’Bố, thầy K’Wèn càng thêm được nhân đôi khi tiếng nói và chữ viết của người Mạ ngày càng được nhiều người biết đến. Cán bộ, công chức, viên chức hiện đang công tác tại địa bàn sẽ dễ dàng tiếp xúc, trao đổi cùng bà con, dân làng.
ĐỨC TÚ